Bệnh thủy đậu ở người lớn là gì?
Thủy đậu là một bệnh lý nhiễm trùng virus do chủng varicella zoster gây ra. Tương tự với trẻ em, thủy đậu ở người lớn cũng gây ra các nốt phát ban kèm theo ngứa, mụn có chứa dịch.
Virus thủy đậu rất dễ lây nhiễm cho những người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng vacxin. Tuy nhiên, khác với trẻ em, thủy đậu ở người lớn thường xuất hiện với các triệu chứng nghiêm trọng hơn và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đặc biệt, ở một số đối tượng đang gặp các vấn đề về ức chế miễn dịch có nguy cơ bị thủy đậu cao hơn, biến chứng cũng nghiêm trọng hơn. Ví dụ như người cao tuổi, những người mắc các bệnh lý như HIV/AIDS, đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch,...
Thủy đậu ở người lớn là do chủng virus varicella zoster gây ra
Triệu chứng thủy đậu ở người lớn
Bệnh thủy đậu ở người lớn xuất hiện với triệu chứng phát ban phồng rộp, mụn nước điển hình và rất dễ nhận biết. Dấu hiệu này sẽ xuất hiện từ 10 – 21 ngày sau khi bạn tiếp xúc lần đầu tiên với virus thủy đậu.
Tùy vào từng giai đoạn thủy đậu, các triệu chứng của bệnh có thể khác nhau. Cụ thể như sau:
Giai đoạn trước khi phát ban thủy đậu xuất hiện
Người lớn bị thủy đậu có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu. Sốt kéo dài từ 3 – 5 ngày, thường dưới 39 độ C. Đau nhức khớp, đau cơ, ăn mất ngon. Đau đầu, xuất hiện các triệu chứng tương tự cảm lạnh.
Giai đoạn khi phát ban thủy đậu xuất hiện
Các nốt phát ban có thể bắt đầu từ mặt, sau đó lan khắp cơ thể, bên trong miệng. Chúng thường phát triển thành các đốm nhỏ, có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục, mí mắt.
Sau đó, những nốt phát ban này sẽ phát triển thành các mụn nước có chứa dịch, chuyển sang màu đục. Những mụn nước này sẽ mất từ 3 -5 ngày để vỡ và lành hẳn. Sau khi vỡ, mụn sẽ đóng vảy và bong ra sau khoảng 1 tuần.
Tuy vậy, một số trường hợp bị thủy đậu ở người lớn có thể không xuất hiện các triệu chứng như phát ban. Nhưng, nếu xuất hiện các nốt phát ban, hậu quả để lại sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Ngoài ra, nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào sau đây, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Bao gồm:
- Phát ban thủy đậu lan đến 1 hoặc cả 2 mắt.
- Phát ban rất đỏ, mềm và khi chạm vào thấy ấm, đây là một dấu hiệu nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn gây ra.
- Phát ban kèm với chóng mặt, tim đập nhanh, mất phương hướng, ho nặng hơn, run, mất phối hợp cơ, nôn mửa, cứng cổ, sốt trên 38.9 độ C.
Liên hệ bác sĩ ngay nếu thủy đậu ở người lớn kèm theo sốt cao, nôn mửa
Nguyên nhân gây thủy đậu ở người lớn
Nguyên nhân chính gây ra thủy đậu là do virus varicella zoster. Đây là chủng virus dễ lây lan thuộc họ herpesvirus, cùng họ với herpes simplex 1, 2.
Thủy đậu rất dễ lây lan giữa người với người thông qua hắt hơi, ho, đường hô hấp. Hoặc, bạn cũng có thể bị lây nhiễm thủy đậu khi tiếp xúc với các dịch lỏng bên trong mụn nước thủy đậu/zona của người bệnh.
Đối với thủy đậu ở người lớn, sẽ có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ bị thủy đậu. Ví dụ như:
- Người đang sử dụng một số loại thuốc khiến hệ miễn dịch bị suy giảm như corticoid, hóa chất độc hại, thuốc chống thải ghép,...
- Người đang bị ung thư hoặc đang hóa trị liệu ung thư.
- Người mắc một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ.
- Người mắc các bệnh mãn tính như suy tim, gan, thận, bệnh tiểu đường không được kiểm soát.
- Người lớn tuổi/Phụ nữ mang thai chưa mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng vacxin.
Biến chứng thủy đậu ở người lớn
Thủy đậu ở người lớn có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm hơn so với trẻ em. Ví dụ như:
- Gây nhiễm trùng mô mềm, da, xương khớp, máu (nhiễm trùng huyết). Biểu hiện bao gồm sốt hoặc hạ thân nhiệt, ớn lạnh, rối loạn nhịp thở,...
- Gây ra tình trạng mất nước với các biểu hiện như: Da khô, nước tiểu rất ít và có màu vàng đậm, choáng váng, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp,...
- Tăng nguy cơ bị viêm phổi: Theo các thống kê cho thấy, cứ 10 người mắc bệnh thủy đậu sẽ có 1 trường hợp gây ra viêm phổi.
- Gây ra hội chứng sốc nhiễm độc. Các dấu hiệu nhận biết sốc nhiễm độc bao gồm bầm tím da, phát ban khắp cơ thể, khó thở, nhịp tim nhanh,...
- Có nguy cơ bị biến chứng thành zona thần kinh sau vài năm.
- Biến chứng ít xảy ra nhưng nghiêm trọng và có thể gây chết người: Viêm cơ tim, viêm não, viêm ruột thừa, viêm tụy, viêm cầu thận, viêm tinh hoàn, viêm khớp.
Đây đều là biến chứng nguy hiểm và cần phải được chăm sóc y tế ngay khi xuất hiện. Nếu bạn đang có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
>>> XEM THÊM: Nhận biết sớm và chăm sóc đúng cách bệnh thủy đậu ở trẻ em
Một số biến chứng có thể trở nên nguy hiểm khi bị thủy đậu ở người lớn
Cách chữa thủy đậu ở người lớn
Trên thực tế, chưa có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh thủy đậu ở người lớn. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi sau 1 – 2 tuần mà không cần điều trị. Người bệnh sẽ được hướng dẫn sử dụng những cách chữa thủy đậu ở người lớn như sau:
Sử dụng kem bôi giảm triệu chứng thủy đậu
Hiện nay, có khá nhiều loại kem bôi giúp giảm triệu chứng của bệnh thủy đậu ở người lớn. Ví dụ như:
Kem bôi acyclovir
Acyclovir dạng bôi có tác dụng chính là kháng virus. Khi sử dụng cho người lớn bị thủy đậu sẽ giảm mức độ nghiêm trọng của các nốt thủy đậu gây ra, ngăn không cho các nốt này mở rộng.. Tuy nhiên, quá trình dùng có thể xuất hiện tác dụng phụ như đau nhói, nóng nhẹ ở vị trí bôi kem, kèm theo phát ban nhẹ.
Dung dịch bôi xanh methylen
Sử dụng xanh methylen bôi trực tiếp lên các vùng da bị thủy đậu nhằm mục đích sát trùng và giảm triệu chứng bệnh. Vì dung dịch này có màu xanh và tính oxi hóa mạnh nên dễ làm bẩn quần áo, gây mất thẩm mỹ khi dùng.
Kem bôi castelain
Sử dụng castelain cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như mẩn ngứa, dị ứng, nóng rát, nổi mề đay.
Sử dụng các loại thuốc khác
Trong một số trường hợp, người lớn bị thủy đậu có thể được kê thuốc uống để giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Ví dụ như:
Thuốc giảm đau
Acetaminophen hoặc paracetamol được sử dụng để giúp người lớn bị thủy đậu hạ sốt. Tuy vậy, bạn cần có sự hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Thuốc giảm ngứa
Ngoài thuốc bôi ngoài da kể trên, người bệnh thủy đậu có thể được hướng dẫn sử dụng benadryl. Thuốc này có chứa thành phần diphenhydramine thuộc nhóm kháng histamin để giảm ngứa.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị thủy đậu ở người lớn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Uống đủ nước để ngăn ngừa biến chứng mất nước do thủy đậu.
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ tại các vùng da tổn thương do thủy đậu.
- Không được chạm hoặc để các vật chất không vệ sinh tiếp xúc với nốt thủy đậu.
- Mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng để tránh vải tiếp xúc với các vết thủy đậu và gây nhiễm trùng.
>>> XEM THÊM: Bệnh thủy đậu có được ăn cá không? Câu trả lời có TẠI ĐÂY!
Cách phòng ngừa thủy đậu ở người lớn
Cách phòng ngừa thủy đậu tốt nhất được khuyến cáo là tiêm chủng vacxin. Vacxin có thể phòng ngừa được 90% bệnh thủy đậu. Những loại vacxin thủy đậu thường được sử dụng gồm có Varivax và ProQuad.
Tuy vậy, với một số trường hợp sau đây được khuyến cáo không nên tiêm vacxin thủy đậu. Cụ thể như sau:
- Bị một số bệnh lý ở mức độ từ vừa đến nặng.
- Dự định mang thai trong 30 ngày tới.
- Bị dị ứng với các thành phần trong vacxin, chẳng hạn như neomycin, gelatin. Hoặc từng có phản ứng dị ứng khi tiêm các loại vacxin thủy đậu trước đó.
- Đang/đã trải quá hóa trị, xạ trị ung thư.
- Đang/đã sử dụng thuốc steroid.
- Đang mắc những bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như HIV.
- Đã thực hiện truyền máu gần đây.
Tiêm phòng vacxin là biện pháp tốt nhất phòng ngừa thủy đậu ở người lớn
Trên đây là những thông tin tham khảo về bệnh thủy đậu ở người lớn. Tuy là bệnh lý khá phổ biến, nhưng nếu không điều trị cẩn thận, thủy đậu có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến thủy đậu, hãy để lại câu hỏi hoặc số điện thoại tại phần bình luận. Đội ngũ dược sĩ sẽ hỗ trợ giải đáp chi tiết cho bạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://healthclinics.superdrug.com/chickenpox-in-adults/
https://www.healthline.com/health/chickenpox-in-adults#outlook
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/symptoms-causes/syc-20351282
https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/infections-and-poisoning/chickenpox