Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là gì?
Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng phổ biến, thường gặp ở trẻ. Bệnh đặc trưng bởi các vết loét bên trong hay xung quanh miệng, nốt phát ban hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân và mông.
Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em do virus thuộc họ Enterovirus gây ra. Các nguyên nhân phổ biến của bệnh tay chân miệng là:
- Coxsackievirus A16: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ.
- Coxsackievirus A6: Mặc dù không phổ biến bằng virus Coxsackievirus A16, nhưng virus này có thể gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn.
- Enterovirus 71 (EV71): Đây là một trong hai nguyên nhân phổ biến gây tay chân miệng, liên quan đến những ca bệnh có biến chứng nguy hiểm như viêm não.
>>> XEM THÊM: Nguyên nhân bệnh tay chân miệng liệu có đơn giản như bạn nghĩ?
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, có tính chất lây lan rất nhanh. Vậy nó lây lan như thế nào? Trẻ em có thể bị mắc tay chân miệng thông qua các con đường như sau:
- Tiếp xúc với mụn nước/vảy của người bị mắc bệnh: Do virus hiện diện ở chất lỏng bên trong mụn nước của người bệnh, nên nếu tiếp xúc trực tiếp với chất dịch này sẽ dễ bị lây tay chân miệng.
- Tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh: Điều này có thể xảy ra khi người bệnh hắt xì, ho và bắn trực tiếp vào trẻ. Ngoài ra, các giọt bắn của người bệnh rất dễ bám vào các đồ vật cũng như bề mặt, gián tiếp gây tay chân miệng nếu trẻ chạm vào chúng và sau đó vô tình đưa lên mắt, mũi hoặc miệng.
- Tiếp xúc với phân của người bệnh: Dịch bệnh có khả năng lây lan cao hơn khi tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc, thay tã cho trẻ bị mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể lây lan thông qua giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi
Triệu chứng, dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em điển hình bởi các triệu chứng như vết loét và bọng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Các triệu chứng này được phân loại theo giai đoạn và cấp độ của bệnh, cụ thể như sau:
Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ phân theo giai đoạn
Khoảng thời gian từ khi nhiễm virus đến khi có biểu hiện bệnh tay chân miệng đầu tiên là khoảng 3-7 ngày. Đây còn gọi là thời kỳ ủ bệnh.
Sau giai đoạn ủ bệnh sẽ đến giai đoạn khởi phát, với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ (khoảng 37.5 - 38.5 độ C), đau họng, đôi khi ăn không ngon và cảm thấy mệt mỏi.
Khoảng 1 đến 2 ngày sau, các triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng ở trẻ em sẽ xuất hiện, bao gồm:
- Vết loét đau (herpangina - đường kính khoảng 2-3 mm), cụ thể ở lợi, lưỡi và niêm mạc miệng. Chúng thường bắt đầu từ những chấm đỏ nhỏ, sau đó phồng rộp và khiến trẻ cảm thấy đau đớn. Từ đó dẫn đến chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, bỏ ăn và thèm nước lạnh.
- Các bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, thậm chí ở đầu gối, khuỷu tay và vùng sinh dục của trẻ. Mụn nước sau khi khô sẽ tạo thành vảy, tiếp đó là các vết thâm trên da trẻ.
Các triệu chứng ngoài da sau khoảng 3 đến 5 ngày sẽ biến mất và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu như không có biến chứng.
Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ phân theo cấp độ
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ phân loại theo cấp độ nặng, cụ thể như sau:
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cấp độ 1: Biểu hiện bệnh thường chỉ bao gồm loét miệng, tổn thương da.
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cấp độ 2: Trẻ thường gặp biến chứng thần kinh hoặc tim mạch ở mức độ trung bình, với biểu hiện rung giật cơ như đi loạng choạng, ngủ gà, sốt cao (>39.5 độ C).
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cấp độ 3: Trẻ có thể gặp biến chứng nặng hơn trên thần kinh, hô hấp, tim mạch bao gồm co giật, hôn mê hoặc tăng huyết áp.
- Bệnh tay chân miệng ở trẻ em cấp độ 4: Ở cấp độ này, trẻ có thể sẽ bị các biến chứng rất nặng, khó hồi phục như phù phổi cấp, trụy tim mạch.
Triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng ở trẻ em là vết loét quanh miệng
4 biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Như đã nói ở trên, Coxsackievirus có liên quan đến các biến chứng nguy hiểm ở trẻ mắc tay chân miệng. Cụ thể, bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến 4 biến chứng nguy hiểm sau:
- Mất nước: Biến chứng thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng ở trẻ em là mất nước. Bệnh gây lở loét ở vùng miệng cũng như cổ họng khiến việc nuốt của trẻ gặp nhiều khó khăn và đau đớn. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng có thể gây ra tình trạng mất nước nguy hiểm với những biểu hiện như khô mắt, khát nhiều, nước tiểu sậm màu,...
- Biến chứng thần kinh: Điển hình là viêm não, viêm màng não với các biểu hiện rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, liệt chi, ngủ gà, đi loạng choạng hoặc co giật, hôn mê kèm theo suy hô hấp, tuần hoàn.
- Biến chứng tim mạch: Bao gồm viêm cơ tim, tăng huyết áp hoặc trụy mạch; Với những biểu hiện mạch nhanh (>150 lần/phút), da nổi vân tím, vã mồ hôi, lạnh chi.
- Biến chứng hô hấp: Người bệnh có thể gặp biến chứng khó thở, phù phổi cấp, với các dấu hiệu thở nhanh, khò khè, tím tái.
Hướng dẫn cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em chuẩn hiện nay
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho trẻ bị mắc tay chân miệng, mà chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng và chăm sóc hỗ trợ. Sau đây là những điều nên làm và không nên làm trong điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em dựa theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
Những điều nên làm:
- Bổ sung đủ nước cho trẻ: Các vết loét xung quanh miệng khiến trẻ thấy đau và lười uống nước, khả năng bị thiếu nước là rất cao. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng còn khiến trẻ bị sốt nên càng dễ mất nước. Chính vì vậy, việc đầu tiên cần làm với trẻ bị mắc bệnh là bổ sung đủ nước.
- Bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ: Đa dạng các món ăn trong thực đơn hàng ngày, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng với 4 nhóm thực phẩm cần thiết (chất đạm, chất béo, chất bột đường và vitamin, khoáng chất).
- Hạ sốt bằng paracetamol: Với các trường hợp trẻ bị sốt cao (trên 38.5 độ C), bố mẹ nên dùng paracetamol để hạ sốt cho trẻ (liều 10 mg/kg/lần, cách mỗi 4-6 giờ) kết hợp với các biện pháp hạ sốt vật lý như chườm mát, lau người bằng nước ấm.
- Vệ sinh cho trẻ: Vệ sinh sạch sẽ răng miệng, tay chân cho trẻ. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối natri clorid 0.9% hàng ngày, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn. Đặc biệt, trẻ cần rửa tay sạch sẽ sau khi ho, hắt hơi và đi vệ sinh.
- Theo dõi các triệu chứng của trẻ: Bố mẹ nên theo sát trẻ để phát hiện sớm các biến chứng, kịp thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất và điều trị đúng cách.
- Chú ý lịch tái khám: Trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 ngày đầu của bệnh, cứ 1-2 ngày bố mẹ nên cho trẻ đi tái khám để bác sĩ có thể tư vấn chính xác nhất tình trạng tay chân miệng, phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.
- Dùng các chế phẩm làm mờ vết thâm: Các bọng nước trên cơ thể sau khi vỡ sẽ hình thành vảy và để lại vết thâm. Điều này sẽ gây mất thẩm mỹ trên da của trẻ. Việc dùng các chế phẩm bôi ngoài da để giảm bớt thâm sẹo cho trẻ là điều cần thiết trong giai đoạn này. Bố mẹ có thể tham khảo các hoạt chất, chiết xuất đã được chứng minh về khả năng hỗ trợ kích thích nguyên bào sợi và mờ thâm sẹo hiệu quả như nano bạc, dịch chiết neem, kẽm salicylate, chitosan.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể để lại vết thâm trên da gây mất thẩm mỹ
Những điều không nên làm:
- Không dùng kháng sinh: Do nguyên nhân là virus nên kháng sinh không có tác dụng với bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm và được kê đơn bởi bác sĩ.
- Không dùng aspirin: Tuyệt đối không cho trẻ dùng aspirin để hạ sốt vì thuốc có thể dẫn đến hội chứng Reye gây tử vong.
- Không cho trẻ ăn đồ mặn, cay: Những đồ ăn này sẽ làm cho các vết loét thêm trầm trọng, đồng thời gây đau đớn cho trẻ.
- Tránh trái cây họ cam (chanh, bưởi, quýt, quất) và soda: Chúng có thể gây kích ứng vết loét do có chứa acid, từ đó kéo dài thời gian lành bệnh của trẻ.
Cách phòng ngừa tối ưu bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Tính đến thời điểm hiện tại, tay chân miệng ở trẻ em chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu. Vì vậy các biện pháp tối ưu để phòng bệnh là tránh tiếp xúc với nguồn lây và nâng cao thể trạng cho trẻ. Cụ thể, các biện pháp phòng ngừa bố mẹ có thể áp dụng cho trẻ như sau:
- Rửa tay cẩn thận: Thường xuyên cho trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, bố mẹ có thể thay thế bằng nước sát khuẩn có chứa cồn 70 độ cho trẻ. Nhắc nhở trẻ không chạm tay lên mắt, mũi, miệng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Khử trùng các khu vực chung: Cần vệ sinh sạch sẽ khu vực sinh sống, đặc biệt là các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, bàn ghế, đồ chơi của trẻ.
- Cách ly người bệnh: Cách hiệu quả để tránh lây lan virus tay chân miệng là cách ly người bệnh. Như đã nói ở trên, bệnh tay chân miệng ở trẻ em dễ dàng lây qua các mụn nước và giọt bắn của người bệnh. “Không tiếp xúc” sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ mắc tay chân miệng.
- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ: Hệ miễn dịch yếu là nguyên nhân sâu xa của việc mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Để giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bố mẹ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, tạo môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ và tạo dựng thói quen sinh hoạt có lợi cho trẻ.
Một trong các cách đơn giản, hiệu quả và có thể áp dụng lâu dài để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ được rất nhiều bố mẹ tin tưởng là sử dụng các dược liệu từ thiên nhiên như cao lá neem, cao lá xoài, cao bạch chỉ, cao nhọ nồi, cao tạo giác thích,...
Bên cạnh đó, bố mẹ nên bổ sung L-lysine cho trẻ bị tay chân miệng. L-lysine là một loại acid amin tham gia tổng hợp protein, góp phần nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể. Một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Dược khoa Indiana ở Mỹ đã tiến hành thử nghiệm và cho kết quả như sau: Người sử dụng L-lysine sẽ có nguy cơ mắc lại virus ít hơn, giảm mức độ các triệu chứng và giảm thời gian điều trị.
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em, bố mẹ có thể lựa chọn sản phẩm có chứa L-lysine cùng các thảo dược kể trên thay thế.
L-lysine có tác dụng tăng sức đề kháng, phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ thông tin hữu ích như một cuốn cẩm nang toàn diện giúp bố mẹ hiểu rõ về biểu hiện, biện pháp cải thiện và phòng ngừa biến chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ hiệu quả. Nếu còn bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào liên quan đến bệnh tay chân miệng, bố mẹ đừng ngần ngại để lại bình luận ở phía dưới hoặc đăng ký tư vấn để được giải đáp chi tiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.healthline.com/health/hand-foot-mouth-disease#What-is-hand,-foot,-and-mouth-disease
https://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/transmission.html
https://www.webmd.com/children/guide/hand-foot-mouth-disease