Tay chân miệng ở trẻ và nguyên nhân gây bệnh
Tay chân miệng (hay chân tay miệng) là bệnh truyền nhiễm do virus enterovirus với nhiều loại virus khác nhau như coxsackievirus, echovirus,... gây ra. Chúng rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch. Đối tượng mắc bệnh này chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi. Vậy trẻ bị tay chân miệng do đâu? - Đây là thắc mắc của rất nhiều bậc phụ huynh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân trẻ bị tay chân miệng chính là do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch còn non yếu nên dễ bị virus xâm nhập và hoành hành. Tuy nhiên, người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh này nếu trước đó chưa từng bị.
Thống kê cho thấy, hàng năm ở Việt Nam có khoảng 20% trường hợp bệnh chân tay miệng trẻ nhỏ do virus EV71 tấn công gây ra biến chứng viêm não. Vì vậy, khi có con nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 6 tuổi, cha mẹ cần quan tâm đến cách phòng ngừa và chữa bệnh tay chân miệng để sớm áp dụng biện pháp xử lý kịp thời.
Trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện như thế nào?
Để hỗ trợ điều trị tay chân miệng cho bé có hiệu quả tốt thì phải phát hiện bệnh sớm. Tay chân miệng thường dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như sốt phát ban, sởi, thủy đậu,... nên cha mẹ cần lưu ý một số dấu hiệu nổi trội sau đây để phát hiện kịp thời và có hướng hỗ trợ điều trị tích cực ở trẻ.
Các vị trí bùng phát bệnh tay chân miệng trên cơ thể trẻ
Tay chân miệng thường xuất hiện trong vòng 3 - 7 ngày sau khi nhiễm virus. Sốt là dấu hiệu đầu tiên, kéo dài trong khoảng thời gian 24 - 48 giờ. Bé thường có các biểu hiện viêm đường hô hấp trên như: sốt nhẹ, đau họng, chảy dãi, biếng ăn,... những biểu hiện này rất dễ nhầm với dấu hiệu chuẩn bị mọc răng sữa nên không ít cha mẹ chủ quan.
Trẻ bị tay chân miệng một hoặc hai ngày sau sẽ bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ mà khởi phát là từ trong miệng, môi trong, lợi, lưỡi. Tiếp sau là các nốt ban nổi lên ở tay, chân và các vùng khác trên cơ thể. Các nốt ban dạng chấm đỏ, dễ nhầm với bệnh sởi hoặc sốt phát ban.
Sau đó, các nốt ban dần hình thành dạng phỏng nước, đây là lúc bé có thể sốt nhẹ và những nốt phỏng rất dễ vỡ, khiến bé lười ăn, bỏ bú, quấy khóc. Việc điều trị cho bé mắc tay chân miệng sẽ khó khăn hơn nếu các vết phỏng vỡ bị nhiễm trùng và trẻ dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Khi bé có dấu hiệu sốt cao, kèm với li bì, ngủ khó đánh thức, ngủ hay giật mình (thường là khi bé thiu thiu ngủ), có cơn co giật hoặc run tứ chi... thì có thể, bé đã gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, phù phổi cấp... và bé cần được đưa đến bệnh viện ngay. Bệnh tay chân miệng nếu điều trị không đúng sẽ gây ra nhiều biến chứng cũng như đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Trẻ bị tay chân miệng có nguy hiểm không?
Khoảng hơn chục năm trước, tay chân miệng còn được coi là bệnh lạ và ít nhận được sự quan tâm của bác sĩ chuyên khoa cũng như các bậc ha mẹ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, trước sự bùng phát mạnh mẽ của bệnh, sự lây lan và những biến chứng nguy hiểm, tay chân miệng được coi như một nỗi lo sợ luôn “treo lơ lửng” trên đầu các con, nhất là những bé dưới 5 tuổi.
Trẻ bị tay chân miệng sẽ gặp nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời
Và điều đáng lo ngại nữa là bệnh dễ tái phát mà chưa có thuốc đặc trị bởi nguyên nhân gây bệnh là do virus với 16 chủng khác nhau. Bệnh lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và dễ để lại các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bị biến chứng nặng cũng như tử vong sẽ giảm, chỉ cần chúng ta có kiến thức đúng mực về căn bệnh này thì việc phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng cho bé không có gì là khó khăn cả.
Dược sĩ Nhật Hạ