Herpes (Herpes simplex) là gì?

Herpes (Herpes simplex) là bệnh nhiễm trùng ngoài da rất phổ biến do virus cùng tên gây ra. Có 2 loại virus gây bệnh là Herpes simplex 1 (HSV-1) và Herpes simplex 2 (HSV-2). Chúng gây bệnh điển hình tại nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể. Trong đó, HSV-1 là tác nhân chủ yếu gây mụn rộp ở miệng và các vùng da xung quanh, trong một vài trường hợp có thể dẫn đến nhiễm trùng thần kinh trung ương. HSV-1 cũng có thể gây mụn rộp sinh dục, tuy nhiên thông qua nhiều thống kê, người ta thấy rằng đa số các trường hợp nhiễm trùng sinh dục là do HSV-2. 

Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh Herpes

Khi nhiễm Herpes, đa số người bệnh hầu như không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất nhẹ mà bản thân họ khó nhận thấy hoặc dễ bỏ qua. Bệnh diễn biến mãn tính và tái phát nhiều lần, có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý người mắc.

Biểu hiện lần đầu mắc bệnh Herpes

Các biểu hiện herpes lần đầu thường khác nhau tùy thuộc vào vị trí mắc bệnh, cụ thể như sau:

Herpes môi: Các triệu chứng điển hình bao gồm mụn nước kèm theo cảm giác đau rát hoặc vết loét hở ở trong/xung quanh miệng. Ngay trước khi những vết loét này xuất hiện, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran và nóng rát xung quanh miệng.

Herpes sinh dục: Những triệu chứng lần đầu thường nhẹ, đặc trưng bởi một hoặc nhiều mụn nước và vết loét ở bộ phận sinh dục/hậu môn. Tùy từng vị trí mà những vết loét có thể gây đau, ngứa, khó đi tiểu, đau lưng, tiết dịch niệu đạo hay âm đạo. Các tổn thương này có thể kéo dài từ 2-4 tuần. Ngoài ra, người mắc bệnh herpes sinh dục có thể kèm theo sốt, sưng hạch bạch huyết và đau nhức cơ thể. Trước khi xuất hiện vết loét, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran, đau nhức chân, hông và mông. 

Trieu-chung-dien-hinh-cua-herpes-la-mun-nuoc-gay-dau-o-vung-mieng-hoac-sinh-duc

Triệu chứng điển hình của herpes là mụn nước gây đau ở vùng miệng hoặc sinh dục

Triệu chứng Herpes tái phát lại 

Herpes là bệnh nhiễm trùng phổ biến và rất dễ tái phát, với các triệu chứng tương tự như lần đầu nhưng có xu hướng ít nghiêm trọng và thời gian mắc ngắn hơn. Trong các nghiên cứu, người ta nhận thấy, có khoảng hơn 30% người nhiễm herpes môi và hơn 50% người mắc herpes sinh dục có triệu chứng tái phát lại. 

Sự khác nhau giữa việc nhiễm herpes sinh dục do HSV-1 và HSV-2 là HSV-1 ít gây tái phát hơn. Sau khi nhiễm HSV-2, các triệu chứng herpes sinh dục tái phát thường xuyên tại vùng tổn thương cũ nhưng nhẹ hơn so với lần đầu mắc và chỉ kéo dài tầm 1-2 tuần. Các triệu chứng thường gặp vẫn là cảm giác đau rát, ngứa, kích thích trước khi có vết loét. Thỉnh thoảng, người mắc bệnh herpes sinh dục có thể cảm thấy đau thần kinh hông, khó chịu trực tràng. Tần suất tái phát sẽ giảm dần theo thời gian nhưng có thể diễn ra trong nhiều năm. 

Nguyên nhân gây bệnh Herpes

Nguyên nhân gây nhiễm trùng bệnh herpes là do virus lan truyền thông qua các con đường tiếp xúc giữa người với người. Cụ thể: 

  • HSV-1 lây qua dịch tiết nước bọt như dùng chung bàn chải đánh răng, dụng cụ ăn uống, hôn hay quan hệ tình dục bằng miệng; Các vết loét trên da như dùng chung khăn mặt, dao cạo râu hay chạm tay vào chúng. 
  • HSV-2 chủ yếu lây lan thông qua việc quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh như: Không dùng bao cao su, quan hệ với nhiều người… Ngoài ra, vệ sinh vùng sinh dục không sạch sẽ, thụt rửa quá mạnh sẽ làm cho bộ phận này trở nên nhạy cảm và khiến virus dễ dàng xâm nhập hơn.

Hơn hết, HSV-1 và HSV-2 đều có thể lây từ người này sang người khác kể cả khi không có biểu hiện loét.

Một câu hỏi được đặt ra là: “Liệu phụ nữ có thai bị mụn rộp sinh dục thì có lây cho thai nhi không?”. Câu trả lời là điều này có thể xảy ra trong quá trình sinh con, vậy nên nếu bạn có dấu hiệu của herpes sinh dục, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa để được nghe tư vấn và xử trí kịp thời

Nguyen-nhan-gay-benh-herpes-la-do-virus-herpes-HSV-1-va-HSV-2

Nguyên nhân gây bệnh herpes là do virus herpes HSV-1 và HSV-2

Bệnh Herpes có nguy hiểm không? 

Herpes thông thường có biểu hiện nhẹ, tuy nhiên trong một vài trường hợp, herpes có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như sau:

  • Herpes sơ sinh: Điều này xảy ra khi trẻ sơ sinh bị lây herpes từ người mẹ. Trẻ có thể gặp tình trạng nhiễm trùng da toàn thân, khó thở, rối loạn chức năng gan thận, tổn thương não…
  • Viêm giác mạc: Virus herpes khi xâm nhập vào cơ thể gây loét giác mạc với các biểu hiện rách, đau, sợ ánh sáng.
  • Các bệnh truyền nhiễm sinh dục: Bị lở loét vùng sinh dục có thể khiến khu vực này trở nên nhạy cảm, tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường sinh dục, thậm chí là AIDS.
  • Tổn thương thần kinh trung ương: Người bệnh có thể gặp biến chứng viêm não, viêm màng não với những cơn co giật nguy hiểm. 

Cách điều trị herpes hiệu quả

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị herpes, các biện pháp điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế sự sinh sôi của virus và chăm sóc hỗ trợ. Dưới đây là biện pháp dùng thuốc và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Thuốc điều trị bệnh Herpes

Hiện không có thuốc để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể mà chỉ giúp hạn chế sự phát triển, nhân lên của herpes, cụ thể là thuốc kháng virus. Các thuốc được dùng theo khuyến cáo của Bộ Y tế là acyclovir, valacyclovir, famciclovir dạng uống. Những thuốc này nên được dùng các sớm càng tốt (trong vòng 24h đầu khi có triệu chứng đầu tiên) dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế để giúp đẩy nhanh thời gian chữa lành tổn thương do herpes.

Với các trường hợp bội nhiễm, người bệnh có thể dùng kháng sinh nhưng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. 

Các biện pháp khác chữa herpes tại nhà 

Bên cạnh việc dùng thuốc kháng virus, người bệnh nên kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Các biện pháp bạn nên áp dụng bao gồm

  • Giữ vệ sinh: Người bệnh nên được tắm bằng nước ấm, sử dụng các sản phẩm tẩy rửa dành cho da nhạy cảm. Giữ vị trí tổn thương luôn sạch sẽ và khô ráo. Bạn nên mặc quần áo rộng rãi để những khu vực này được thông thoáng, thoải mái. 
  • Chế độ sinh hoạt điều độ: Bạn nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc cũng như tập thể dục nhẹ nhàng để nâng cao thể trạng. 
  • Phối hợp điều trị tại chỗ: Người bệnh nên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh khu vực tổn thương, thuốc bôi tê tại chỗ như lidocain. 
  • Sử dụng gel bôi chứa nano bạc: Nano bạc đã được nghiên cứu về khả năng diệt khuẩn vô cùng hiệu quả, tiến hành bởi các nhà khoa học tại Viện Công nghệ môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Tác dụng nano bạc được tăng cường khi kết hợp với chitosan, dịch chiết neem, kẽm salicylate…giúp mang lại hiệu quả diệt khuẩn cũng như tái tạo làn da nhanh chóng, ngăn ngừa sẹo hình thành. 

>>> XEM THÊM: 15 cách trị bệnh da liễu ở trẻ em bằng thảo dược ngay tại nhà

Nguoi-benh-nen-dung-cac-che-pham-boi-ngoai-da-ngay-tu-nhung-ngay-dau-co-bieu-hien-herpes

Người bệnh nên dùng các chế phẩm bôi ngoài da ngay từ những ngày đầu có biểu hiện herpes

Phòng ngừa và chăm sóc người bệnh Herpes

Herpes là bệnh truyền nhiễm ngoài da gây ra bởi virus Herpes, lây lan chủ yếu thông qua việc tiếp xúc giữa người với người. Sau đây là một số lưu ý trong việc phòng tránh Herpes cũng như chăm sóc người bệnh hiệu quả.

Lưu ý trong chăm sóc và phòng bệnh Herpes 

Cách tối ưu nhất để tránh mắc Herpes là bảo vệ bản thân khỏi nguồn lây nhiễm. Cụ thể như sau:

  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Tuyệt đối không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn mặt, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, khăn tắm, cốc uống nước, đồ trang điểm… 
  • Quan hệ tình dục an toàn: Dùng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục như sử dụng bao cao su, tránh quan hệ khi đang có biểu hiện mụn rộp tại vùng sinh dục. Ngoài ra nhiễm HSV rất dễ có nguy cơ lây truyền HIV, vì vậy cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này khi bị nhiễm Herpes. 
  • Tránh tiếp xúc cơ thể với người bệnh: Tránh chạm vào vết loét, ôm, hôn, nắm tay hoặc có các hành động tiếp xúc cơ thể trực tiếp khác với người bệnh. Virus herpes có mật độ cao tại các vết loét trên miệng, bộ phận sinh dục của người bệnh, việc tiếp xúc trực tiếp với họ có thể dễ dàng bị lây nhiễm HSV. 
  • Vệ sinh cơ thể: Tắm rửa sạch sẽ, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Lưu ý, vệ sinh bộ phận sinh dục cẩn thận, nhẹ nhàng, không thụt rửa mạnh để tránh gây tổn thương. 

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh Herpes

Với người đang mắc Herpes, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cũng là vấn đề đáng lưu tâm vì chúng ảnh hưởng rất lớn đến thời gian phục hồi bệnh. Sau đây là một số lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày của người mắc bệnh Herpes: 

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Đa dạng hóa thực phẩm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Bốn nhóm dinh dưỡng cần thiết trong các bữa ăn hàng ngày là chất bột đường, chất béo, protein, vitamin & khoáng chất. 

Tránh đồ ăn không tốt: Các loại thực phẩm người bệnh nên kiêng là đồ ăn nhiều dầu mỡ, thịt chế biến sẵn, thực phẩm cay nóng, chất kích thích như rượu bia, cà phê… vì chúng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng loét. Tránh các đồ ăn chứa arginine như lúa mì, hạnh nhân, nước nho, bơ đậu phộng... vì arginine có thể gây tăng thương tổn mụn rộp.

Nghỉ ngơi: Bên cạnh ăn uống điều độ, người bệnh cần ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp người bệnh chống chọi với virus dễ dàng hơn. 

Cùng là acid amin nhưng arginine và L-lysine lại có tác dụng đối nghịch nhau. Như đã nói ở trên, arginine có thể làm trầm trọng hơn tình trạng Herpes của người bệnh, ngược lại, L-lysine lại có tác dụng giảm vết loét do Herpes hiệu quả. Nhóm nghiên cứu thuộc đại học Dược khoa Indiana, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm vai trò của L-lysine trong điều trị Herpes tái phát, kết quả là người bệnh giảm tần suất tái nhiễm, giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và rút ngắn thời gian làm lành vết thương. Người mắc Herpes có thể sử dụng các chế phẩm chứa L-lysine để thay thế. 

Thuc-pham-chua-arginine-nhu-lua-mi-hanh-nhan-nuoc-nho-lam-nang-them-benh-herpes

Thực phẩm chứa arginine như lúa mì, hạnh nhân, nước nho,... làm nặng thêm bệnh herpes

Herpes là bệnh nhiễm trùng do virus phổ biến, có thể kiểm soát tốt và ngăn chặn tái phát hiệu quả nếu bạn hiểu rõ về bệnh và các phương pháp điều trị, phòng ngừa. Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn thông tin cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị và phòng tránh Herpes hiệu quả. Hãy chia sẻ với chúng tôi mọi vấn đề về bệnh Herpes mà bạn đang gặp phải bằng cách bình luận ngay dưới bài viết này. Chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết mọi vấn đề cho bạn sớm nhất.

Dược sĩ Nhật Hạ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

https://www.webmd.com/genital-herpes/pain-management-herpes#1

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/herpes-simplex-virus

https://www.healthline.com/health/herpes-simplex#prevention