Tay chân miệng là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là những bé dưới 5 tuổi, còn đang học mầm non. Với thắc mắc “trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi và cách giúp con nhanh lành bệnh” của bạn Hồng, chuyên gia sẽ giải đáp cụ thể như sau:
Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi?
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột của họ Picornaviridae gây ra (phổ biến nhất là Coxsackie A và virus Enterovirus 71). Virus này thường trú ngụ trong cơ thể trẻ từ 3 – 7 ngày trước khi phát bệnh. Lúc này, trẻ xuất hiện các triệu chứng như: Sốt, chán ăn, tiêu chảy, ban đỏ xuất hiện ở bàn tay, chân, miệng,...
Tay chân miệng là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi
Thông thường, trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bé. Thời gian phục hồi sẽ theo các cấp độ của bệnh như sau:
- Những trẻ bị tay chân miệng cấp độ 1 thì chỉ sau 7 – 10 ngày là sẽ khỏi bệnh.
- Đối với trẻ mắc bệnh cấp độ 2 thì sẽ cần khoảng từ 10 đến 14 ngày.
- Nếu trẻ bị tay chân miệng cấp độ 3, 4 thì thời gian hồi phục sẽ dài hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Khi đó, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, suy hô hấp, trụy mạch,...
Trường hợp như con bạn Hồng có thể là đang bị tay chân miệng cấp độ 1 nên nếu chăm sóc tốt và điều trị tích cực thì chỉ hơn một tuần là bé có thể hết bệnh.
Bí quyết giúp trẻ bị tay chân miệng nhanh khỏi
Để giúp con nhanh lành bệnh, bạn Hồng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và cho bé nghỉ ngơi nhiều, cụ thể:
Về chế độ dinh dưỡng
Trẻ thường biếng ăn khi bị tay chân miệng, do người đang mệt mỏi và các vết loét trong miệng gây xót. Vì vậy, bạn nên bổ sung cho con những món ăn lỏng, mềm, mát, dễ nuốt như: Canh, súp, sữa chua,... và hạn chế đồ cay, nóng. Đồng thời, không cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt, socola, nước uống có ga,... vì khiến các nốt mụn lâu khỏi. Hãy đảm bảo cung cấp đủ những chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng, hạn chế tối đa sự tấn công của virus.
Nên cho trẻ ăn cháo, súp khi bị tay chân miệng
Về chế độ nghỉ ngơi
Trẻ bị bệnh hay có hiện tượng ngủ gà, ngủ gật, không sâu giấc. Do đó, cha mẹ cần để con được nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, hạn chế ra gió. Cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể trẻ, tuyệt đối không kiêng tắm để tránh bị bội nhiễm. Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho con súc miệng bằng nước muối loãng, đánh răng với bàn chải mềm mỗi ngày.
Chúc con bạn sớm khỏi bệnh!
Chuyên gia da liễu