Chào chuyên gia! Con trai tôi năm nay 5 tuổi, cháu bị sởi đã 3 ngày nay. Hiện tại, cháu đã đỡ sốt nhưng ban mọc khắp người. Tôi muốn hỏi, bệnh sởi có phải kiêng gió không và cần lưu ý gì trong quá trình chăm sóc ạ?. Mong nhận được tư vấn từ chuyên gia.
Trả lời:

Cảm ơn Hồng Ánh đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với thắc mắc bệnh sởi có cần kiêng gió không và cần lưu ý gì trong quá trình chăm sóc, chuyên gia sẽ trả lời lần lượt như sau:

Bệnh sởi có cần kiêng gió không?

Hồng Ánh thân mến, không riêng gì bạn mà cũng có rất nhiều người thắc mắc về vấn đề bệnh sởi có cần kiêng gió hay kiêng nước không. Trên thực tế thì chưa có cơ sở nào yêu cầu bệnh nhân bị sởi phải kiêng gió, kiêng nước cả. Thay vào đó, người bệnh nên được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ bằng nước đun sôi để nguội. Và đặc biệt lưu ý không cần kiêng gió vì nếu nóng quá, cơ thể ra mồ hôi sẽ làm cho người bị sởi cảm thấy khó chịu và thậm chí làm bệnh tiến triển nặng hơn. Tuy nhiên, lúc này cơ thể của bệnh nhân sởi còn yếu, nên cần hạn chế ra ngoài để tránh bị cảm lạnh cũng như lây lan cho người khác. 

Cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị sởi

Để bệnh sởi nhanh lành và không gây biến chứng nguy hiểm thì việc chăm sóc đúng cách có vai trò rất quan trọng. Bạn Hồng Ánh hãy lưu ý những vấn đề sau để giúp con mau chóng hết bệnh: 

- Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng, tránh tiếp xúc với người khác.

- Giữ ấm cho cơ thể nếu thời tiết lạnh, luôn vệ sinh thân thể, răng miệng sạch sẽ, không cần kiêng nước.

- Nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc sử dụng dung dịch nhỏ mắt mũi chuyên dụng, nhỏ 3 - 4 lần/ngày.

- Cho trẻ uống nhiều nước và tốt nhất là uống bù điện giải.

- Chườm ấm trong trường hợp trẻ sốt nhẹ. Nếu trẻ sốt cao > 38,5 độ C thì cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

- Đeo khẩu trang y tế, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ bị sởi.

- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết: Nên tăng cường vitamin A trong thời gian mắc bệnh vì chúng đã được chứng minh giúp giảm 50% trường hợp tử vong do sởi.

Bạn Hồng Ánh lưu ý, trong trường hợp trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng như: Mệt li bì, sốt hoặc co giật; Bỏ ăn, nôn trớ; Ho nhiều, thở nhanh, khó thở,... ban đã hết mà vẫn không cải thiện sức khỏe thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám, xử trí kịp thời tránh gây biến chứng.

Chúc con bạn nhanh khỏi bệnh!

Chuyên gia da liễu